TTO – Dự án ‘Bản đồ trái cây Việt Nam’ đang được giới thiệu tại hội chợ trái cây lớn nhất châu Âu tổ chức ở Ý, với sự quy tụ của hơn 70 quốc gia.
Bản đồ trái cây Việt Nam xuất hiện tại hội chợ Macfrut 2021 – Ảnh: M.F
Hội chợ trái cây Macfrut lần thứ 38 đã chính thức khai mạc tại thành phố Rimini, Ý, kéo dài đến ngày 9-9.
Năm nay lần đầu tiên Việt Nam xuất hiện gian trưng bày nông sản tại hội chợ triển lãm nông sản có quy mô lớn nhất châu Âu.
Tại hội chợ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ý phối hợp UBND các tỉnh Sơn La, Bến Tre, Bình Thuận và các doanh nghiệp như Mia Fruit, Trà Tiên Thiên, Lương Quới, Bienco, Green Power… đã đưa nhiều đặc sản như bưởi, xoài, nhãn, hồng giòn, dừa bơ… và một số thương hiệu trà của Lào Cai, cà phê của Sơn La đến trưng bày.
Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam mang “Bản đồ trái cây Việt Nam” (bandotraicayvietnam.com) đến tham gia hội chợ Macfrut 2021, hỗ trợ tiếng Việt và tiếng Anh.
Là người ấp ủ, cùng đội ngũ dày công xây dựng nên “Bản đồ trái cây Việt Nam” phiên bản số hóa, bà Nguyễn Ngọc Huyền – tổng giám đốc Mia Fruit – cho biết, dự án này nhằm hệ thống hóa dữ liệu vùng trồng và xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp cho các loại cây ăn trái ở Việt Nam.
Trong bản đồ này sẽ xuất hiện dữ liệu về nông sản – trái cây của 63 tỉnh thành. Khách hàng dễ dàng xem đặc sản của mỗi địa phương. Bản đồ cũng cung cấp các chỉ dẫn địa lý, vùng trồng như thế nào, sản lượng bao nhiêu.
“Mọi người sẽ thấy một bức tranh khái quát, Việt Nam có những loại trái cây rất ngon, mỗi người dân đều tự hào về sản phẩm trái cây của quê hương của mình. Tất cả những thông tin này chỉ cần truy cập bởi một cú click”, bà Huyền chia sẻ.
“Bản đồ trái cây Việt Nam” (bandotraicayvietnam.com) có hỗ trợ tiếng Việt và tiếng Anh – Ảnh chụp màn hình
“Bản đồ trái cây Việt Nam đã hình thành, cho dù dịch COVID-19 có kéo dài thì các bạn bè quốc tế dù ở đâu cũng có thể truy cập và biết được Việt Nam có những loại trái cây gì, đạt tiêu chuẩn như thế nào và tiến tới tìm hiểu sâu hơn.
Từ bản đồ trái cây, các bước tiếp theo sẽ là bản đồ hợp tác xã, bản đồ logistics để kết nối và hỗ trợ việc giao thương một cách tốt nhất”, bà Huyền chia sẻ thêm.
Năm nay, nhiều công ty Việt Nam đã xuất khẩu trực tiếp các loại trái cây như vải, nhãn tươi sang các nước Tây Âu (Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức, Anh). Đặc sản vải thiều cũng chính thức bước vào chuỗi siêu thị thực phẩm tại châu Âu.
Với việc Chính phủ các nước thành viên EU áp dụng quy định giấy thông hành vắc xin, nới lỏng quy định đi lại, mở cửa nhiều dịch vụ, thị trường nhập khẩu nông sản EU có phần khởi sắc, đây cũng là thời điểm thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường này.